Thủ Tục Gia Hạn Nộp Thuế Theo Quy Định Của Luật Quản Lý Thuế 2019

Luật quản lý thuế


 1. Các trường hợp người nộp thuế được gia hạn nộp thuế

Căn cứ khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế 2019 quy định các trường hợp người nộp thuế được xem xét gia hạn nộp thuế trên cơ sở có đề nghị với cơ quan thuế bao gồm:

- Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật này;

- Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.

2. Thời gian gia hạn và hồ sơ gia hạn nộp thuế

*Thời gian gia hạn nộp thuế được quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

- Không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng theo quy định.

- Không quá 01 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.

*Hồ sơ gia hạn nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Quản lý thuế 2019 bao gồm:

- Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế, trong đó nêu rõ lý do, số tiền thuế, thời hạn nộp;

- Tài liệu chứng minh lý do gia hạn nộp thuế.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, hồ sơ gia hạn nộp thuế được hướng dẫn cụ thể theo khoản 2 Điều 24 Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau:

*Đối với trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ quy định tại  điểm a khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế, hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo  mẫu số 01/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này;

- Tài liệu xác nhận về thời gian, địa điểm xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ của cơ quan có thẩm quyền (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế);

- Văn bản xác định giá trị vật chất bị thiệt hại do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu;

- Văn bản (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế) quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường thiệt hại (nếu có);

- Các chứng từ (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế) liên quan đến việc bồi thường thiệt hại (nếu có).

* Đối với trường hợp bất khả kháng khác theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo mẫu số 01/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này;

- Văn bản xác định giá trị vật chất bị thiệt hại do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu;

- Tài liệu xác nhận về thời gian, địa điểm xảy ra bất khả kháng của cơ quan có thẩm quyền; tài liệu chứng minh người nộp thuế phải ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh đối với trường hợp do chiến tranh, bạo loạn, đình công mà người nộp thuế phải ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế);

- Tài liệu chứng minh việc gặp rủi ro không thuộc nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan của người nộp thuế và người nộp thuế không có khả năng nguồn tài chính nộp ngân sách nhà nước đối với trường hợp bị thiệt hại do gặp rủi ro không thuộc nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan của người nộp thuế (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế);

- Các chứng từ (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế) liên quan đến việc bồi thường thiệt hại của cơ quan bảo hiểm (nếu có).

* Đối với trường hợp di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế. Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo  mẫu số 01/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này;

- Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh đối với người nộp thuế (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế);

- Đề án hoặc phương án di dời, trong đó thể hiện rõ kế hoạch và tiến độ thực hiện di dời của người nộp thuế (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế).

3. Trình tự giải quyết hồ sơ gia hạn nộp thuế

Căn cứ Điều 65 Luật Quản lý thuế 2019 và khoản 1 Điều 24 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định về trình tự giải quyết hồ sơ gia hạn nộp thuế thực hiện như sau:

- Người nộp thuế lập hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước.

Cơ quan quản lý thuế tiếp nhận hồ sơ gia hạn nộp thuế của người nộp thuế qua các hình thức sau đây:

+ Nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan quản lý thuế;

+ Nhận hồ sơ gửi qua đường bưu chính;

+ Nhận hồ sơ điện tử qua cổng giao dịch điện tử của cơ quan quản lý thuế.

- Trường hợp hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế chưa đầy đủ theo quy định hoặc có sai sót, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo bằng văn bản theo mẫu số 01/TB-BSTT-NNT ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đề nghị người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung hồ sơ.

- Trường hợp hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế đầy đủ, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế ban hành:

+ Thông báo không chấp thuận gia hạn nộp thuế (mẫu số 03/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này) đối với trường hợp không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế

+ Hoặc Quyết định gia hạn nộp thuế (mẫu số 02/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này) đối với trường hợp thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế.

4. Xác định số tiền được gia hạn nộp thuế

Số tiền được gia hạn nộp thuế được xác định căn cứ theo khoản 3 Điều 24 Thông tư 80/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:

- Đối với người nộp thuế gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ quy định tại điểm a khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế: Số tiền thuế được gia hạn nộp thuế là số tiền thuế nợ tính đến thời điểm người nộp thuế gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ nhưng không vượt quá giá trị vật chất bị thiệt hại sau khi trừ các khoản được bồi thường, bảo hiểm theo quy định (nếu có).

- Đối với người nộp thuế gặp trường hợp bất khả kháng khác theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP: Số tiền thuế được gia hạn nộp thuế là số tiền thuế nợ tính đến thời điểm người nộp thuế gặp trường hợp bất khả kháng khác, nhưng không vượt quá giá trị vật chất bị thiệt hại sau khi trừ các khoản được bồi thường, bảo hiểm theo quy định (nếu có).

- Đối với trường hợp di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế: Số tiền thuế được gia hạn là số tiền thuế nợ tính đến thời điểm người nộp thuế bắt đầu ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện di dời, nhưng không vượt quá chi phí thực hiện di dời và thiệt hại do phải di dời gây ra sau khi trừ đi các khoản được hỗ trợ, đền bù thiệt hại theo quy định. Chi phí di dời không bao gồm chi phí xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh mới. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người nộp thuế không thực hiện di dời thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế đã được gia hạn và tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế đã được gia hạn nộp thuế.

Bài viết trên đây là những thông tin mà Đại lý Thuế GSC chia sẻ để giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục gia hạn nộp thuế khi bị thiệt hại do gặp trường hợp bất khả kháng hay ngừng hoạt động do phải di dời theo yêu cầu của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019. Nếu còn bất kỳ vướng mắc hay vấn đề nào còn chưa rõ cần được giải đáp, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất nhé!

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hãy đánh dấu vào "Thông báo cho tôi" trước khi gửi bình luận để nhận được thông báo khi Admin trả lời!